Năng lực của thẩm phán tiếp tục là vấn đề quan ngại

22 tháng 6, 2012
"Tình trạng tiêu cực của thẩm phán là có, nhưng không phải phổ biến... Chúng tôi đang cố gắng mọi giải pháp để nâng cao năng lực, trình độ cán bộ", người đứng đầu ngành tòa án Trương Hòa Bình nêu quyết tâm trước Thường vụ Quốc hội.

Chiều nay, là người cuối cùng trả lời chất vấn trước Thường vụ, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, theo Nghị quyết 388 về bồi thường oan sai, năm 2009 ngành thụ lý 123 vụ yêu cầu bồi thường. Với trách nhiệm và nỗ lực, tòa án đã thương lượng thành công 83 vụ với 86 trường hợp. Tổng số tiền thống nhất chi trả bồi thường cho những trường hợp này là hơn 9,5 tỷ đồng.

"Với án oan, cơ bản đã giải quyết xong", người đứng đầu ngành tòa án nhận xét. Theo ông Bình, 40 vụ còn lại do hai bên không tìm được tiếng nói chung, người bị oan đã khởi kiện ra tòa án để phân xử.

Trước gần 70 đại biểu có mặt trong buổi chất vấn được đánh giá là đông người tham dự nhất từ trước tới nay ở Thường vụ, Chánh án Trương Hòa Bình thẳng thẳng thừa nhận: "Chất lượng xét xử chưa cao, trình độ năng lực của thẩm phán tiếp tục là vấn đề đáng quan ngại".

Nhiều năm qua, vấn đề "thẩm phán" vẫn luôn được các đại biểu quan tâm mỗi khi chất vấn người đứng đầu ngành tòa án. Ông Nguyễn Văn Thuận (Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật) đặt vấn đề: "Tỷ lệ giải quyết án giám đốc thẩm mới được chưa đến 40% mà đã có hàng nghìn vụ kháng nghị. Tình hình này có phải do trình độ thẩm phán còn yếu, hay có nguyên nhân khác mà không loại trừ cả việc cố tình làm sai?".

Trong bộ vest lịch lãm, ông Bình thoáng bối rối: "Đây là câu hỏi khó". Ông thừa nhận: "Tình trạng tiêu cực trong thẩm phán là có, nhưng không phổ biến. Đó chỉ là những hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh". Chúng tôi cương quyết xử lý nghiêm tới nơi tới chốn những phẩm phán vi phạm quy định pháp luật".

Chánh án TAND Tối cao cho biết, với nhân lực hiện nay để giải quyết được lượng công việc trên, thẩm phán và các cán bộ tòa án đã phải "làm hết sức, làm ngày làm đêm kể cả thứ bảy, chủ nhật". Thời gian tới, ngành sẽ có kế hoạch huy động hàng loạt thẩm phán về tòa tối cao để cùng tham gia giải quyết, cũng như phân công thêm cho các tòa chuyên trách cùng vào cuộc để phấn đấu nâng tỷ lệ giải quyết giám đốc thẩm lên 70%.

Đánh giá trong nhiệm kỳ đảm nhận, Chánh án Trương Hòa Bình đã làm khá nhiều "việc tốt", một đại biểu băn khoăn: "Năm qua, việc xử án liên quan đất đai số lượng án bị hủy chiếm khoảng 11%, tức khoảng 2.000 vụ. Nguyên nhân của tình trạng này là gì?".

Rất nhanh chóng, người đứng đầu ngành tòa án đáp lời: "4% trong số này là án bị hủy, còn 7,5% là bị sửa. Nguyên nhân thì nhiều nhưng quan trọng là VKS không tham gia ngay từ đầu".

Rồi ông thẳng thắn: "Có sự chủ quan của thẩm phán hay không? Tôi cũng không loại trừ. Vấn đề quan trọng là nâng cao trách nhiệm, chấn chỉnh nhận thức của thẩm phán trong việc xác minh chứng cứ trong án dân sự. Nếu thẩm phán có án bị sửa, chỉnh nhiều chúng tôi sẽ không tái bổ nhiệm".

Theo ông Bình, dù đã bổ sung hơn 420 thẩm phán so với năm 2007 nhưng tình trạng thiếu thẩm phán vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Một trong những nguyên nhân là chưa có chính sách thu hút nhân lực.

"Lương và địa vị của thẩm phán đang là vấn đề cần suy nghĩ. Tôi nghĩ phải đảm bảo cho họ có mức sống cao trong xã hội thì mới thu hút được... nếu không sẽ rất khó", ông nêu quan điểm.

Để cải thiện tình trạng này theo ông Bình ngành tòa án đang đề xuất mở rộng thêm nguồn thẩm phán từ luật gia, luật sư... như một số nước đang áp dụng.

Tiếp tục câu chuyện về chất lượng thẩm phán, bà Lê Thị Thu Ba (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) đặt vấn đề: "Trong báo cáo Chánh án có đề nghị giao việc đào tạo thẩm phán cho ngành tòa án. Vậy thời gian qua chúng ta đã phối hợp đào tạo với Bộ Tư pháp thế nào?".

Người đứng đầu ngành tòa án cho biết, hiện việc đào tạo thẩm phán do Học viện Tư pháp đảm nhiệm. Do vậy, ngành tòa án chưa thể chủ động trong đào tạo cán bộ.

Ông Bình cho rằng: "Chất lượng thẩm phán liên quan quá trình đào tạo đại học, nghiệp vụ xét xử, và việc tự đào tạo của mỗi người.... Vấn đề đặt ra là giáo dục đại học đã đạt yêu cầu chưa?".
"Luật quy định chánh án có quyền "bồi dưỡng" nhưng không có quyền "đào tạo". Trong khi viện trưởng VKSND Tối cao lại có cả hai. Tôi đề nghị Quốc hội giao cho chánh án quyền này để chủ động đào tạo nhân lực", Chánh án TAND Tối cao khép lại phần trả lời chất vấn trong khoảng 90 phút.

Theo Hoàng Khuê
Nguồn: VnExpress

Tags: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn